Hiệu trưởng Đậu Thành Vinh ngày 5/11 cho biết đã gửi văn bản đến UBND tỉnh, xin được tự chủ ở mức “tự đảm bảo một phần chi thường xuyên”.
Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm được thành lập 2014, là trường công thuộc Đại học Đồng Nai. Hiện trường có 3.300 học sinh, ở ba cấp học (Tiểu học, THCS và THPT).
Năm 2019, tỉnh Đồng Nai phê duyệt cơ cấu nhân sự của trường gồm 154 người, nhưng ngân sách chỉ đảm bảo kinh phí cho 54 người (50 giáo viên biên chế, 4 hợp đồng). Đến nay, trường có 148 giáo viên, nhân viên.
Theo ông Vinh, trường được tỉnh rót 3,6 tỷ đồng mỗi năm. Cộng với các nguồn khác, số thu khoảng 11 tỷ đồng. Ông Vinh tính toán với mức chi cơ bản như ở các trường công trên địa bàn thì trường phải cần đến 24 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua, trường Phổ thông Thực hành Sư phạm chỉ có thể tổ chức dạy và học ở mức tối thiểu.
Từ 1/7, lương cơ sở tăng lên mức 2,34 triệu đồng, kéo theo tăng phụ cấp, gây áp lực lên quỹ lương của trường. Trong khi đó, vì thuộc nhóm công lập, trường thu học phí theo quy định của tỉnh (65-120.000 đồng một tháng), miễn phí bậc tiểu học theo Luật Giáo dục.
“Với kinh phí được cấp, trường sẽ không đủ hoạt động và chi trả lương cho giáo viên, người lao động”, ông Vinh nói. Ngoài ra, trường không thể đầu tư cho đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học.
Trước đó, đầu năm học 2024-2025, trường Phổ thông Thực hành Sư phạm Đồng Nai bị phản ánh thu nhiều khoản không đúng quy định như tiền quỹ phát triển giáo dục, tiền thu gom rác, khấu hao điện điều hòa…
Trong cuộc họp với trường hồi đầu tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo kết luận việc này là sai, yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định các khoản nằm trong đề án thu chi giai đoạn 2022-2025, được UBND tỉnh phê duyệt. Sự việc chưa ngã ngũ vì còn đợi ý kiến từ Sở Tài chính.
Theo Luật Giáo dục và Thông tư 16/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo giáo viên có thể mở trường thực hành sư phạm. Đây là nơi thực hành cho sinh viên, đồng thời tham gia vào các nghiên cứu khoa học giáo dục, thử nghiệm phương pháp dạy và học mới…
Ở nhiều địa phương như Bắc Ninh, Quảng Trị, TP HCM, Hà Nội…, trường thực hành sư phạm được giao tự chủ, có thể thu học phí cao hơn trường công thông thường. Theo nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ, bốn cấp độ tự chủ là: tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; tự đảm bảo chi thường xuyên; tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (từ 10- dưới 100%); còn lại (dưới 10%).
Trong đó, các khoản chi thường xuyên gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, dịch vụ công cộng, văn phòng phẩm, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định…
Phước Tuấn
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/truong-cong-xin-tu-chu-vi-khong-du-tien-tra-luong-cho-giao-vien-4812206.html