Theo đó, trường thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghề nghiệp và Đánh giá năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho sinh viên, giảng viên và các đối tượng ngoài xã hội. Sứ mệnh của đơn vị là cung cấp các khóa học mang tính thực tiễn để trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong bối cảnh thế giới thay đổi không ngừng. Đồng thời, trung tâm đóng vai trò cầu nối giữa nhà trường với các tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động.
Hiện, Trung tâm Bồi dưỡng nghề nghiệp và Đánh giá năng lực triển khai 16 chương trình. Trong đó, Đào tạo Kỹ năng mềm là một trong những chương trình nhận được sự quan tâm lớn nhất, được thiết kế để phát triển khả năng giao tiếp, lãnh đạo, quản lý thời gian, làm việc nhóm…
Chương trình Tiếng Anh học thuật và chuyên ngành hướng đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và công nghệ. Ngoài ra, HNMU đào tạo Công nghệ thông tin ứng dụng nhằm cung cấp bài học về lập trình cơ bản, phân tích dữ liệu và cách sử dụng các công cụ hiện đại trong môi trường làm việc số.
Bên cạnh đó, trung tâm còn bồi dưỡng giáo dục STEM dành cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Chương trình cung cấp các kiến thức về khái niệm, ý nghĩa, đặc trưng, quy trình và cách thức vận dụng giáo dục STEM, từ đó, giúp giáo viên xây dựng chủ đề, thiết kế hoạt động, tổ chức và đánh giá hiệu quả, tích hợp liên môn, đồng thời, giảng dạy bài học gắn với thực tiễn và điều kiện địa phương.
Chương trình cũng hướng tới bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho giáo viên và các nhà quản lý. Trung tâm tập trung vào việc áp dụng quy trình giảng dạy tiên tiến, sử dụng hiệu quả thiết bị, công cụ và tài nguyên sẵn có để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
“Những chương trình này không chỉ được nhiều học viên lựa chọn mà còn nhận được đánh giá cao từ các nhà tuyển dụng”, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng, HNMU chú trọng đầu tư vào nội dung, đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy. Giảng viên tham gia chương trình đều là chuyên gia có kinh nghiệm thực tế, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp học viên nắm bắt nhanh và áp dụng vào công việc.
Điều kiện để theo học các chương trình tại trung tâm khá linh hoạt, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng học viên. Đối với sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội, các bạn đăng ký trực tiếp qua hệ thống quản lý đào tạo của trường. Các ứng viên khác cần đáp ứng các yêu cầu đầu vào cơ bản của từng chương trình. Ngoài ra, người đi làm có thể đăng ký các khóa học ngắn hạn hoặc các lớp ngoài giờ hành chính để phù hợp với lịch làm việc.
Các chương trình đào tạo của trung tâm thường xuyên được cập nhật và cải tiến để bắt kịp xu hướng của thị trường lao động, từ phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng dụng công nghệ đến các yêu cầu cụ thể từ doanh nghiệp.
Theo đại diện HNMU, trong giai đoạn đầu, trung tâm đã gặp một số khó khăn như thiếu nguồn nhân lực chuyên gia, hạn chế về cơ sở vật chất hay nhận thức của sinh viên. Do đó, đơn vị đã thực hiện một số chiến lược như mở rộng chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế; đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thêm phòng học hiện đại, phòng thí nghiệm, hệ thống phần mềm quản lý học tập trực tuyến….
Đồng thời, trung tâm xây dựng mạng lưới kết nối bằng cách kết hợp với doanh nghiệp, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước để tăng cơ hội thực tập, việc làm cho học viên. Tăng cường quảng bá cũng là một chiến lược chủ chốt của chiến lược nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên và xã hội về lợi ích của các chương trình.
Thiên Minh
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/truong-dh-thu-do-ha-noi-chu-trong-boi-duong-nghe-nghiep-4834268.html