Đỗ trường kinh tế top đầu ở Hà Nội, Thảo ấn tượng với chuỗi sự kiện “chào tân” của các câu lạc bộ trong trường. Giữa tháng 10, nữ sinh quê Thái Bình đăng ký vào câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, mong quen thêm nhiều bạn bè, học kỹ năng mềm.
Điều khiến Thảo bất ngờ là em phải trải qua ba vòng, gồm nộp đơn, phỏng vấn và làm việc nhóm. Không đạt vòng nào, ứng viên sẽ bị loại luôn.
Câu lạc bộ gồm nhiều ban nhỏ. Thảo ứng tuyển vào nhóm tổ chức sự kiện, suôn sẻ vượt qua vòng đầu. Tới vòng phỏng vấn, nữ sinh được các anh, chị hỏi về ưu, nhược điểm của bản thân, lý do đăng ký và cách giải quyết một số tình huống.
“Em bị ‘quay’ trong gần 30 phút. Không khí căng thẳng và nghiêm túc khiến em ngỡ mình đang đi xin việc”, Thảo nhớ lại.
Dù cho rằng đã trả lời khá “mượt”, vài ngày sau, nữ sinh nhận tin bị loại.
“Choáng thật. Hồi cấp ba, em vẫn nghĩ chỉ cần đăng ký là được vào câu lạc bộ, không ngờ khó như vậy”, Thảo nói.
Tuấn Bách, tân sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vừa trải qua 5 ngày làm việc nhóm – vòng cuối trong đợt tuyển thành viên của câu lạc bộ về khoa học dữ liệu.
Bách cho biết những ứng viên đã vượt qua vòng phỏng vấn được chia thành nhóm 10-12 người, cùng tổ chức một sự kiện giả định. Bách được giao dựng kịch bản talkshow, đặt tên sự kiện, lên câu hỏi cho diễn giả, dự trù các tình huống có thể phát sinh…
Là cựu học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, Bách từng tham nhiều hoạt động trong và ngoài trường. Ngày đó, em chỉ cần làm đơn, trả lời vài câu hỏi đơn giản về nguyện vọng, để được vào câu lạc bộ.
Còn lần này, các câu hỏi nặng về chuyên môn và tình huống. Vòng làm việc nhóm là thử thách nhất với nam sinh vì phải làm việc với những người chưa từng quen biết, khác với ở trường cấp ba.
“Kinh nghiệm em có không là gì. Tất cả khác xa với những gì em từng làm”, Bách cho biết.
Trần Khánh Linh, chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền hình sinh viên STV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết có 500 sinh viên đăng ký đợt tuyển thành viên mới vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển chỉ là 80.
“Với số lượng ứng viên lớn như vậy phải tổ chức nhiều vòng để chọn được người phù hợp, đủ yêu thích và muốn gắn bó lâu dài với câu lạc bộ”, Linh nói.
Cảm giác choáng khi ứng tuyển câu lạc bộ như Thảo và Bách không hiếm, theo ông Nguyễn Trọng Tuynh, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Trên các diễn đàn tân sinh viên sinh năm 2006, nhiều bài đăng về phỏng vấn, đăng ký câu lạc bộ thu hút hàng trăm bình luận. Không ít tài khoản chia sẻ tâm trạng buồn bực, thậm chí “sốc” khi trượt câu lạc bộ, gọi đây là “thất bại”.
“Mỗi đại học có tới 50-70 câu lạc bộ. Mỗi nhóm lại có yêu cầu riêng nên nếu không chuẩn bị, tìm hiểu trước, tân sinh viên rất dễ bị ngợp”, ông Tuynh nói.
Ông Tuynh cho biết các câu lạc bộ thường có ba vòng tuyển chọn, gồm đơn, phỏng vấn và phụ sơ tuyển – gần như bước thử việc. Một số còn thêm phỏng vấn nhóm, thi năng khiếu (thường là câu lạc bộ nghệ thuật), nên lên tới 4-5 vòng.
“Dù các câu lạc bộ do sinh viên vận hành nhưng vẫn được giảng viên hỗ trợ, quản lý với vai trò cố vấn. Vì vậy, hoạt động hay quá trình tuyển thành viên cần quy củ, kỹ lưỡng”, ông Tuynh nói.
Ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác Chính trị – Sinh viên, trường Đại học Mỏ – Địa chất, đồng tình. Theo ông, các câu lạc bộ ở đại học ngày càng có sức hút, ứng viên đăng ký gấp nhiều lần nhu cầu, nên việc tuyển chọn lại càng quan trọng.
“Khoảng 30% trong số 2.300 tân sinh viên của trường Đại học Mỏ – Địa chất ứng tuyển thành viên câu lạc bộ, tăng gấp đôi 3-5 năm trước”, ông Thành nói.
Lý giải, ông Thành nhận định việc tham gia câu lạc bộ đem tới những quyền lợi rõ rệt, như được cộng điểm rèn luyện – một trong những điều kiện cần để đạt học bổng, được gần gũi thầy cô, đoàn thể, nắm bắt một số thông tin sớm hơn.
“Chẳng hạn thành viên câu lạc bộ truyền thông có thể liên lạc trực tiếp với hiệu trưởng để xin phỏng vấn. Các bạn cũng sẽ giữ kết nối với thầy cô tốt hơn, đó là những quyền lực mềm của câu lạc bộ”, ông Thành nói. Ngoài ra, đây thậm chí trở thành điểm cộng trong CV xin việc của sinh viên khi ra trường.
Đại diện các trường khuyên tân sinh viên coi việc ứng tuyển, tham gia câu lạc bộ là cơ hội để mở mang kiến thức chuyên ngành, học hỏi kỹ năng mềm và giao lưu; không nên quá nặng nề chuyện bị loại.
“Có thể những điều các em thể hiện chưa phù hợp với tiêu chí chọn thành viên, không hoàn toàn phản ánh năng lực các em”, ông Thành nói.
Chung quan điểm, ông Tuynh cho rằng việc trượt câu lạc bộ “không phải điều gì ghê gớm”, mà ngược lại, điều này cũng cho sinh viên cơ hội tìm hoạt động khác phù hợp hơn.
“Làm cái mình thích và hợp mới vui vẻ, lâu dài được”, ông Tuynh nói.
Đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân gợi ý sinh viên tham gia nhiều hoạt động khác như các cuộc thi, khóa học, dự án nghiên cứu khoa học hoặc tình nguyện ngắn hạn trong và ngoài trường. Đây vẫn là những điểm cộng cho hồ sơ xin việc sau này, cũng như giúp sinh viên có thêm trải nghiệm.
Sau khi trượt câu lạc bộ hiến máu, Thu Thảo đã vượt qua vòng phỏng vấn của một câu lạc bộ nghệ thuật. Lần này, nữ sinh ứng tuyển vào ban truyền thông và cảm thấy công việc được giao phù hợp với mình hơn là tổ chức sự kiện.
“Em rất hào hứng với vòng làm việc nhóm cuối cùng. Dù kết quả thế nào, em cũng đã học hỏi thêm được nhiều kỹ năng như trả lời phỏng vấn, cách xây dựng content, từ ý tưởng, nội dung tới hình thức thể hiện, quen được nhiều bạn mới”, Thảo nói.
Thanh Hằng
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/tan-sinh-vien-choang-vi-tuyen-cau-lac-bo-kho-nhu-xin-viec-4812668.html