Thống kê được bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, chia sẻ tại hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn, sáng 31/12.
Bà Điệp cho biết năm học 2014-2015, TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm nhận nhóm trẻ này, tại 13 trường mầm non của 8 quận, huyện. Đến nay, toàn thành phố đã triển khai đại trà với 240 trường, nhóm trẻ, trừ quận 4.
Sau 10 năm, thành phố có gần 2.600 trẻ 6-18 tháng tuổi được chăm sóc, nuôi dạy ở trường, trong đó khối mầm non công lập khoảng 70%. Trung bình mỗi lớp có 12 trẻ với hai giáo viên, đảm bảo quy định.
“Các con số trên cho thấy nhu cầu cần gửi trẻ từ độ tuổi nhỏ ngày càng cao trong người dân”, bà Điệp nói.
Do tính chất công việc vất vả hơn, những giáo viên phụ trách trẻ trong độ tuổi này được TP HCM hỗ trợ 35% mức lương cơ bản. Sau 10 năm, thành phố đã chi hơn 55 tỷ đồng. Giáo viên ngoài công lập được hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng chuyên môn. Bà Điệp đánh giá đây là điểm sáng trong công tác thí điểm của TP HCM.
Theo bà, trẻ 6-18 tháng đến trường được hưởng các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt, khỏe mạnh và phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm. Việc nhận chăm sóc, nuôi dạy trẻ 6-18 tháng giúp giảm áp lực cho người dân, nhất là công nhân và người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, số lượng trẻ đến trường vẫn còn ít so với thực tế vì đa số phụ huynh vẫn muốn nhờ ông bà, người thân trông con ở độ tuổi này. Điều này phần nào ảnh hưởng đến kinh phí của các trường khi đầu tư cơ sở vật chất để tiếp nhận trẻ.
Bà cho hay khi nuôi dạy trẻ nhỏ, các trường mầm non phải cải tạo cơ sở vật chất, đảm bảo có phòng pha sữa, cho trẻ bú, vệ sinh, khu vực vận động, tắm nắng và đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị an toàn. Kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị được chi từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, trung bình một phòng học được đầu tư 120-300 triệu đồng.
Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở, khẳng định thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng là chính sách nhân văn và sẽ tiếp tục duy trì việc này.
Để trẻ được chăm sóc, nuôi dạy tốt, theo bà, các trường cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng phát huy nguồn lực xã hội, tuyên truyền để người dân biết và hiểu mô hình này.
Việc giữ trẻ ở độ tuổi nhỏ là công việc vất vả, áp lực nên các đơn vị phải quan tâm đến đời sống của giáo viên. Phòng Giáo dục Mầm non cần phối hợp với nhà trường rà soát, tham mưu cho UBND thành phố những chính sách phù hợp để giáo viên yên tâm công tác.
“Đặc biệt, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giáo dục mầm non nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, không được để xảy ra những sự việc mất an toàn cho trẻ, phải tạo được niềm tin của phụ huynh”, bà Châu nhấn mạnh.
Lệ Nguyễn
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/so-tre-6-18-thang-tuoi-den-truong-o-tp-hcm-tang-gan-15-lan-4834131.html