Trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 diễn ra lúc 8h30. Bốn nam sinh tranh tài trong trận đấu cuối cùng là Trần Trung Kiên (THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên), Nguyễn Quốc Nhật Minh (THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai), Võ Quang Phú Đức (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế), Nguyễn Nguyên Phú (THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội).
Đây là lần đầu tiên Phú Yên và Gia Lai có học sinh vào chung kết Olympia; tỉnh Thừa Thiên Huế có đại diện thứ 7, còn trường chuyên Sư phạm 2.
Trước khi phần thi Khởi động bắt đầu, bốn thí sinh mang tới video giới thiệu về quê hương, gia đình, nhà trường và các bạn – những động lực giúp các em bước vào trận chung kết.
Nguyên Phú “dẫn” người xem tham quan trường THPT chuyên Sư phạm và Văn Miếu Quốc Tử Giám. Còn Nhật Minh đưa khán giả về một vùng quê, nơi nam sinh có những hoạt động truyền cảm hứng cho các em nhỏ trong học tập.
Phú Đức trong video của mình đã điểm qua nhiều công trình, biểu tượng nổi tiếng của Huế như sông Hương, Đại Nội, phá Tam Giang và trường chuyên Quốc học. Là người cuối cùng, Trung Kiên kết lại bằng những hình ảnh ở Mũi Điện – nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền, và những cảnh đẹp của quê hương Phú Yên. Em tin ánh sáng từ tinh thần khát khao học tập sẽ giúp người trẻ vươn lên, từ đó thay đổi diện mạo quê hương.
Ở phần thi đầu tiên, mỗi thí sinh có một lượt trả lời cá nhân, gồm 6 câu hỏi trị giá 10 điểm một câu. Sau đó, các em có phần thi chung với 12 câu hỏi. Thí sinh giành quyền trả lời bằng cách bấm chuông. Ở phần thi chung, thí sinh được 10 điểm nếu trả lời đúng, sai bị trừ 5 điểm.
Nguyên Phú trả lời đúng 4 trên 6 câu, giành 40 điểm. Em ghi điểm tại câu hỏi Tiếng Anh về bão Yagi, Toán học, năm hoàn thành cao tốc Bắc Nam… Phần chơi này không ưu tiên tốc độ, Phú thể hiện sự bình tĩnh, chắc chắn, luôn đợi người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi rồi mới đưa ra đáp án.
Nhật Minh bước vào lượt thi với tâm trạng hồi hộp. Sau hai câu chưa giành được điểm, em có điểm 10 đầu tiên ở câu thứ 3 về hiện tượng phản El Nino, có nghĩa là “bé hai đồng nữ”, với đáp án La Nina. Ở ba câu còn lại, Minh trả lời đúng câu hỏi Tiếng Anh số 5 về một từ vựng tiếng Anh có trong từ điển Oxford, mang nghĩa một chương trình máy tính mô phỏng các cuộc nói chuyện với con người qua Internet. Với câu trả lời đúng là “chatbox”, Nhật Minh có 20 điểm.
Thi đấu ở vị trí thứ ba,Phú Đức cho thấy sự quyết tâm khi cúi thấp người để đọc kỹ câu hỏi trên màn hình máy tính hơn. Với cả 6 đáp án đúng, Đức hoàn thành lượt thi trong tiếng hò reo của khán giả. Em thể hiện hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, từ Tiếng Anh tới Toán học, hiểu biết xã hội.
Ở phần này, Trung Kiên trả lời đúng 4 câu hỏi về tên công viên địa chất toàn cầu UNESCO (Lạng Sơn), bảo tàng Hồ Chí Minh được thiết kế theo biểu tượng hoa sen, danh nhân Nguyễn Công Trứ và phương pháp ghép tạng.
Trung Kiên và Phú Đức giành được nhiều quyền trả lời nhất trong lượt chung. Cả hai có hai câu trả lời đúng, song Kiên cũng có hai đáp án sai. Trong khi đó, Nhật Minh và Nguyên Phú không giành thêm điểm, bị trừ 5-10 điểm.
Bốn nhà leo núi bước sang phần Vượt chướng ngại vật, với nhiệm vụ tìm ra ẩn số gồm 7 chữ cái. Nguyên Phú thi đầu tiên, chọn hàng ngang thứ 2 với câu hỏi có 7 chữ cái. Nhưng Phú Đức bất ngờ ấn chuông trả lời câu hỏi, đưa ra đáp án là Net Zero (phát thải ròng bằng 0).
Trường quay và điểm cầu Huế vỡ oà khi người dẫn chương trình thông báo Đức đã đưa ra đáp án chính xác.
Như vậy, Phú Đức duy trì vị trí dẫn đầu và nới rộng khoảng cách với các bạn chơi khi có 135 điểm, Trung Kiên 50, Nguyên Phú 45, Nhật Minh 15.
Phần thi Tăng tốc chứng kiến sự rượt đuổi của cả bốn thí sinh khi cùng đưa ra đáp án đúng ở nhiều câu hỏi. Phú Đức liên tục ấn chuông trả lời nhanh ở câu thứ 2 và thứ 4, giành thêm 40 điểm, tiếp tục dẫn đầu với 235 điểm.
Điểm số của ba thí sinh còn lại lần lượt là Trung Kiên 120, Nguyên Phú 105 và Nhật Minh 85.
Xen kẽ các phần thi của thí sinh là phần giao lưu, trả lời câu hỏi tại các điểm cầu ở Hà Nội, Phú Yên, Huế và Gia Lai.
Là người có điểm cao nhất, Phú Đức thi Về đích đầu tiên. Nam sinh chuyên Quốc học chọn ba câu, mỗi câu 20 điểm. Em giành 20 điểm ở câu hỏi số 1 về tên của bốn tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam (Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Quang Trung và Trần Hưng Đạo). Tuy trả lời không chính xác câu thứ 2 về Toán, Phú Đức không bị trừ điểm do không thí sinh nào bấm chuông.
Câu hỏi cuối trong gói của nam sinh hỏi về tên loại cây trong một bài thơ của Trần Đăng Khoa. Em trả lời ngay từ những giây đầu tiên, sau đó thay đổi nhưng vẫn không chính xác. Nguyên Phú bấm chuông, trả lời “cây bão táp” và giành 20 điểm từ gói của Phú Đức.
Kết thúc phần thi của mình, Phú Đức vẫn có 235 điểm.
Với việc giành thêm 20 điểm từ Phú Đức, Nguyên Phú có 125 điểm, vượt Trung Kiên 5 điểm để vươn lên vị trí thứ hai. Vì vậy, nam sinh trường chuyên Sư phạm thi ngay sau Phú Đức. Nguyên Phú chọn ngôi sao hy vọng ở câu cuối cùng sau khi chỉ trả lời đúng một câu 20 điểm. Với đáp án “hiện tượng siêu dẫn”, em giành thêm 40 điểm, có 185 điểm sau phần chơi này.
Trung Kiên cũng chọn ngôi sao hy vọng trong câu hỏi thứ ba – yêu cầu trả lời bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười với nam sinh trường Lê Hồng Phong, tỉnh Phú Yên. Ở câu này, Nguyên Phú giành quyền trả lời, đưa ra đáp án là “IUU fishing” (đánh bắt cá trái phép), giành thêm 30 điểm. Lúc này, tổng điểm của Phú là 215, chỉ còn kém Phú Đức 20 điểm.
Người chơi cuối cùng là Nhật Minh. Trước phần thi này, nam sinh nhận được món quà đặc biệt từ chương trình là chiếc áo đấu mang số 7 của Câu lạc bộ Manchester United – đội bóng yêu thích của em cùng chữ ký và lời chúc của nhiều cầu thủ.
Chàng trai chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai đang có 85 điểm. Vì thế, ngay cả khi giành ngôi sao hy vọng và trả lời đúng cả ba câu của gói cao điểm nhất, Minh cũng không thể chiến thắng. Hiểu điều này, Minh nói lời cảm ơn với những người ủng hộ, cho biết sẽ thi đấu hết mình với gói 20-20-30 điểm.
Câu hỏi cuối cùng của trận chung kết thuộc lĩnh vực Toán học. Nguyên Phú đã quỳ sẵn để thao tác bấm chuông được nhanh hơn, trong trường hợp Minh không trả lời được. Phú chỉ kém Đức 20 điểm, nếu trả lời được câu này, em sẽ vô địch. Vì vậy, không khí trường quay căng thẳng khi Minh không đưa ra đáp án.
Tuy nhiên, Phú Đức có màn bấm chuông chiến thuật. Ngay khi giành được quyền trả lời, em đã nhảy lên ăn mừng vì hiểu ngay khi bị trừ 15 điểm, em vẫn còn 220, hơn Nguyên Phú 5 điểm.
Phú Đức chính thức vô địch Olympia năm thứ 24 với 220 điểm, giành vòng nguyệt quế và phần thưởng trị giá 50.000 USD (1,2 tỷ đồng). Nguyên Phú về nhì với 215 điểm, nhận thưởng 200 triệu đồng. Trung Kiên (145 điểm), Nhật Minh (65) cùng nhận 100 triệu đồng.
Như vậy, Huế lần thứ ba có nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Trước Phú Đức, hai người giành chiến thắng là Hồ Ngọc Hân (2006) và Hồ Đắc Thanh Chương (2016).
Cả ba đều là học sinh THPT Quốc học. Đây là trường chuyên lâu đời nhất Việt Nam – 128 năm. Trường cũng lập kỷ lục khi có 7 học sinh vào chung kết Olympia, nhiều nhất cả nước.
Điểm đặc biệt năm nay là Huế chọn quảng trường Ngọ Môn làm nơi ghi hình cho trận chung kết. Một phần lễ Truyền lô dưới thời nhà Nguyễn (lễ tuyên đọc sắc chỉ của hoàng đế ban đỗ học vị tiến sĩ sau kỳ thi đình) được sân khấu hóa, cùng các tiết mục văn nghệ của khoảng 300 học sinh, mang đến sự đặc sắc cho cuộc thi.
Xem diễn biến chính
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/phu-duc-vo-dich-olympia-2024-4803512-tong-thuat.html