Người Việt đầu tư học tiếng Anh thế nào

Tiếng Anh trở thành một môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông, từ năm 1982. Năm 1996, môn này được dạy thí điểm ở tiểu học, với lớp 3-5.

Mức quan tâm với “học tiếng Anh” thật sự bùng nổ từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO (2006-2007) và duy trì đến nay, theo dữ liệu từ khóa tìm kiếm của Google Trends.

Tính đến năm học 2022-2023, hơn 2,9 triệu học sinh, tương đương 2/3 học sinh toàn quốc được học tiếng Anh ít nhất 10 năm (1.050 tiết), theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ năm 2008).

Với chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dành cho môn học này tăng lên. Hiện học sinh tiểu học bắt buộc học 4 tiết tiếng Anh mỗi tuần (2,3 giờ), học sinh THCS và THPT có ba tiết (2,25 giờ). Tổng số tiết từ lớp 3 đến 12 là 1.155, tương đương gần 870 giờ học trên lớp.

Mục tiêu là sau khi hoàn thành, học sinh đạt trình độ tiếng Anh bậc 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, ứng với mức B1 của Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR).

Trong khi đó, tổ chức khảo thí Đại học Cambridge ước tính để đạt mức này, một người chỉ cần khoảng 350-400 giờ học có hướng dẫn – tức gần một nửa thời lượng học tiếng Anh của học sinh phổ thông ở trường.

Ở ngoài nhà trường, người Việt học tiếng Anh song song nhiều hình thức. Theo khảo sát của Q&Me, 49% người được hỏi cho biết tự học, 35% học online miễn phí và 29% học tại trung tâm. Trong đó, trung tâm tiếng Anh dạng chuỗi được ưa chuộng hơn với 69%, số chọn các trung tâm hoặc lớp độc lập khoảng 44%.

Để đáp ứng nhu cầu của người học, số trung tâm tiếng Anh tại các thành phố lớn cũng gia tăng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, 2.380 trung tâm hiện được cấp phép đào tạo tiếng Anh, tăng hơn 6 lần so với năm 2010 (370 trung tâm). Còn tại Hà Nội, số trung tâm tăng gấp đôi – từ 562 vào tháng 8/2018 lên 955 vào tháng 12/2024.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, nhà sáng lập và CEO của Edtech Agency – đơn vị kết nối các sản phẩm Edtech từ nước ngoài vào Việt Nam, nói đào tạo ngoại ngữ là phân khúc lớn thứ hai thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) trong nước, nơi có khoảng 750 sản phẩm và 9 triệu người dùng trực tuyến.

Nhu cầu từ thị trường thu hút các tổ chức quốc tế vào Việt Nam, như sự xuất hiện của IELTS Science hay GlobalExam năm ngoái. Tính riêng năm 2024, đại diện Edtech Agency cho biết đã tiếp xúc hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ đào tạo ngoại ngữ quốc tế khác muốn gia nhập thị trường, trong đó có tên tuổi lớn như Britannica Education hay Pickatale.

Dữ liệu từ nền tảng chọn trường và trung tâm KiddiHub cho thấy, học phí tại các trung tâm dao động từ 1,7 – 4,7 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 20-50% thu nhập bình quân của một lao động năm 2022.

Dù mức độ quan tâm và thị trường dạy tiếng Anh phát triển tại Việt Nam, kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh chưa cao. Trong 8 năm qua, trung bình tỷ lệ thí sinh đạt dưới 5 điểm là 57%, điểm môn này cũng nhiều lần “đội sổ”.

Điểm sáng là số thí sinh được miễn thi do có Chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế (đa phần tiếng Anh) ngày càng tăng, năm 2024 gấp ba lần năm 2021, theo Báo cáo Dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm khoảng 4-5% trong gần 900.000 bài thi môn Ngoại ngữ.

Năm 2018, khi tổng kết Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, cơ quan chủ trì nhận định thời điểm sớm nhất để học sinh THPT có thể đạt được trình độ B1 trên diện rộng là vào năm 2030.

Công bố mới đây của Tổ chức giáo dục quốc tế Education First (EF) cho thấy người Việt xếp 63 trong 116 nước – tụt 5 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu 2024 (English Proficiency Index – EF EPI).

Trong khảo sát đầu tiên năm 2011, Việt Nam thuộc nhóm rất thấp, xếp hạng 39/44 quốc gia được đánh giá. Trong 14 năm, điểm EPI của người Việt Nam tăng 13,2%, từ 440 lên 498 điểm, cao hơn mức tăng trung bình của châu Á và thế giới. Dù vậy, điểm số giảm trong giai đoạn 2016-2020 khiến Việt Nam từ nhóm thông thạo trung bình rơi xuống thông thạo thấp cho đến nay.

So với các nước Đông Nam Á, năng lực ngoại ngữ của người Việt xếp trên Indonesia, Myanmar, Campuchia và Thái Lan, nhưng còn khoảng cách đáng kể so với Singapore, Philippines, Malaysia.

Tuy nhiên, số liệu này không phản ánh toàn diện trình độ của người Việt, bởi chỉ số EPI được tính toán dựa trên bài kiểm tra của những người “muốn học tiếng Anh, hoặc tò mò về trình độ của mình”. Trong khảo sát mới nhất vào năm 2024, EF cho biết kết quả được tổng hợp từ 2,2 triệu người từ 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, song không công bố số lượng tham gia cụ thể từng quốc gia.

Chuyên gia nhìn nhận việc dạy và học tiếng Anh còn bất cập, do nhiều nguyên nhân.

PGS. TS ngành ngôn ngữ học ứng dụng Lê Văn Canh, nguyên giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định chương trình trong nhà trường hiện có số giờ học nhiều nhưng “rải rác và nhỏ giọt”. 1-2 ngày mới có một tiết, trong khi học sinh sau một ngày đã quên 50%, kiến thức lưu trong bộ nhớ ngắn hạn chưa kịp chuyển sang bộ nhớ dài hạn. Cùng lúc, việc học cần theo kịp tiến độ chương trình nên dễ khiến học sinh bị đuối, sinh chán nản.

Việc tăng giờ học trên lớp lên gấp hai, gấp ba cũng không thể giải quyết được khi học sinh đã mất động lực.

Ngoài nhà trường, nhiều mô hình, phương pháp dạy tiếng Anh được “nhập khẩu” từ nước ngoài, nhưng khó đánh giá tính hiệu quả và sự phù hợp với môi trường Việt Nam. TS Canh cho rằng, khiếm khuyết trong dạy – học tiếng Anh tại Việt Nam còn do thiếu đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo độ tuổi, mục đích, vùng miền.

“Học tiếng Anh để đạt trình độ thành thạo như người bản ngữ là quan niệm rất lạc hậu. Bởi khoa học chứng minh rất ít người có thể đạt trình độ này, hơn nữa mục đích học của mỗi người khác nhau. Quan trọng là tất cả người học có thể dùng tiếng Anh trong giao tiếp xã hội”, ông nói.

Theo báo cáo Dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam, hứng thú với môn tiếng Anh giảm theo từng cấp học – từ 67,4% ở tiểu học, xuống 59,4% ở THCS và THPT là 47,7%.

Tại hội nghị về khảo thí ngoại ngữ cuối năm 2023, TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định năng lực tiếng Anh của người Việt cơ bản ngày càng tốt hơn trước, song khó đồng đều trong cả nước.

Ngoài ra, không ít học sinh có điểm thi cao vẫn không nói được tiếng Anh do học nhiều về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm hơn Nghe, Nói, Đọc, Viết mà thiếu môi trường thực hành.

Một tiết khoa học bằng tiếng Anh của học sinh lớp 7, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, năm 2021. Ảnh: EMG

Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học được Chính phủ đặt ra lần đầu năm 2017, tại Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2017-2025. Mới đây, Bộ Chính trị nhắc lại mục tiêu này trong kết luận thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Về chính sách, TS Canh cho rằng khái niệm “ngôn ngữ thứ hai” chưa rõ ràng trong bối cảnh Việt Nam. Ví dụ, với học sinh dân tộc thiểu số, tiếng Việt có thể là ngôn ngữ thứ hai. Chuyên gia đề xuất một trong hai cách định nghĩa: tiếng Anh sẽ được sử dụng để giảng dạy các môn khác, hoặc dùng song song với tiếng Việt trong giao tiếp ở trường lớp.

Ông đánh giá nếu có lộ trình và chiến lược tốt cũng mất ít nhất 30 năm để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ông Jonny Western, Trưởng phòng Sáng kiến mới thuộc khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng để cải thiện trình độ tiếng Anh của học sinh cần nhiều thứ phải làm, như thay đổi động lực học từ lấy điểm sang sử dụng, đổi mới chương trình sư phạm để có đội ngũ giáo viên xuất sắc. Những điều này mất nhiều năm để thực hiện và thấy hiệu quả.

TS Vũ Thị Phương Anh, thành viên tư vấn chiến lược của Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2014, gợi ý các trường và địa phương tham khảo tài liệu, chương trình của một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Philippines, Malaysia, Đài Loan… Theo bà, những nơi này cũng có xuất phát điểm có phần tương đồng với Việt Nam, tức tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, và giờ thành công sử dụng đây là ngôn ngữ thứ hai.

Còn TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên sư phạm tiếng Anh, Đại học Flinders, Australia, lưu ý cho trẻ học tiếng Anh từ sớm mà thiếu chú trọng tiếng Việt cũng không mang lại hiệu quả lâu dài. Nghiên cứu ở nhiều quốc gia cho thấy với cùng số giờ học và điều kiện học tập, kết quả học ngoại ngữ của một trẻ bắt đầu từ 6 tuổi và từ 10 tuổi là như nhau. Bởi, trẻ từ 10 tuổi nhận thức tốt hơn về trường học và hiểu cách học ngôn ngữ. Như vậy, trẻ hoàn toàn có thể có một tuổi thơ “thuần Việt”, phát triển nền tảng tiếng Việt và các kỹ năng mềm quan trọng khác ngoài ngoại ngữ.

“Thiếu đầu tư cho việc học tiếng Việt trước khi học ngoại ngữ thì như xây nhà mà móng yếu. Kiến thức từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt tiếng Việt sẽ là nền tảng vững chắc giúp người học phát triển năng lực học, cả ngoại ngữ và các môn học khác”, bà nói.

Quang Tuệ – Đăng Nguyên – Hằng Lệ

Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/nguoi-viet-dau-tu-hoc-tieng-anh-the-nao-4796385.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *