Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), thách thức không còn là “biết về AI”, mà là khả năng sử dụng công nghệ này để tạo ra giá trị thực. Do đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) thành lập khoa AI tháng 8/2024, nhằm đào tạo thế hệ kỹ sư AI có năng lực thực hành, sáng tạo, tạo tác động xã hội.
Trường thiết kế chương trình kỹ sư AI theo hướng chuyên sâu, xoay quanh 5 trụ cột gồm: Học máy, Học sâu, Thị giác máy tính, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và AI ứng dụng. Điểm khác biệt là sinh viên bắt tay làm dự án thực tế từ năm hai.
Đại diện trường cho biết họ hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghệ Nvidia, VinAI, Viettel, FPT… để triển khai chương trình thực tập, nghiên cứu chung và cuộc thi học thuật (AI Hackathon). Những sân chơi này giúp sinh viên cọ xát thực tiễn, rèn tư duy công nghệ và kỹ năng làm việc nhóm.
PTIT và VinAI ký biên bản ghi nhớ hợp tác hồi năm ngoái. Ảnh: PTIT
Với phương châm “học đi đôi với hành”, trường xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển AI. Trong đó, PTIT.AI Lab – trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, phòng thí nghiệm Robotics, thị giác máy tính hay NLP… sẽ trang bị hệ thống GPU mạnh mẽ, cho phép sinh viên huấn luyện mô hình tương đương môi trường doanh nghiệp.
Sinh viên khoa AI được dẫn dắt bởi đội ngũ giảng viên giàu chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Nổi bật là PGS.TS Phạm Văn Cường – Trưởng khoa AI kiêm chuyên gia nghiên cứu tại Qualcomm. Ông từng công bố nhiều công trình tại các hội nghị quốc tế như CVPR, NeurIPS.
Nhân vật tiêu biểu khác là thầy Trần Tiến Công – Trưởng bộ môn Học máy kiêm Tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Dankook (Hàn Quốc, 2021). Ông còn là chuyên gia CNTT của Liên Hợp Quốc, tác giả loạt công trình đăng trên các tạp chí, hội nghị uy tín.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của khoa sẽ đồng hành Gen Z trên con đường học thuật. Ngoài truyền đạt lý thuyết, thầy cô còn hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, viết bài hội thảo quốc tế, chuẩn bị hồ sơ học bổng và thực tập ở trung tâm AI có tiếng trong nước lẫn quốc tế.
Đội ngũ sinh viên, giảng viên khoa AI tại lễ khai trương biển tên của khoa. Ảnh: PTIT
Điểm khác biệt của khoa AI là định hướng phát triển AI vì cộng đồng. Sinh viên có cơ hội tham gia dự án liên ngành như ứng dụng AI trong nông nghiệp thông minh, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ số…. Những hoạt động này vừa giúp người trẻ nâng cao kỹ năng thực thi, vừa khơi dậy trách nhiệm xã hội – yếu tố quan trọng để AI phát triển bền vững.
Từ năm nhất, sinh viên có thể đăng ký nhóm nghiên cứu hoặc câu lạc bộ công nghệ, từ đó rèn luyện tư duy hệ thống và khả năng làm việc đa ngành.
Sinh viên PTIT đưa các dự án đổi mới sáng tạo đến Coding Fest ở Đại học Sydney, Australia. Ảnh: PTIT
PTIT đặt mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư AI toàn diện gồm: nền tảng kiến thức vững chắc, kỹ năng thực chiến, tư duy đổi mới và tinh thần khởi nghiệp. Sinh viên có cơ hội kết nối với mạng lưới mentor trong ngành, được định hướng phát triển nghề nghiệp từ năm đầu.
Theo đại diện trường, nhiều em đạt học bổng, internship tại các trung tâm AI quốc tế, khởi nghiệp hoặc đầu quân cho hãng công nghệ lớn trong nước lẫn quốc tế.
“Với lợi thế đó, sinh viên ngành AI PTIT được kỳ vọng trở thành nguồn lực quan trọng cho thị trường lao động số và công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói thêm.
Thiên Hà
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/khoa-ai-ptit-be-phong-cho-the-he-ky-su-cong-nghe-thuc-chien-4879542.html