Tối 11/4, Bộ cho biết đề nghị các địa phương rà soát, xác định những nội dung đang thuộc quản lý của cấp huyện để chuyển về cấp tỉnh và xã. Việc chuyển giao theo nguyên tắc: cấp tiếp nhận phải đủ cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để duy trì hoạt động, phát triển giáo dục; phân biệt rõ nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ hành chính.
Các tỉnh, thành giữ nguyên trạng trường học, chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý bậc mầm non, tiểu học, THCS, thay vì huyện như hiện nay.
Công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động giáo viên sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp tỉnh) thực hiện, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu nhân lực cục bộ. Hiện, cấp huyện đảm nhận nhiệm vụ này với bậc mầm non, tiểu học, THCS; cấp tỉnh phụ trách giáo viên THPT.
Trong quá trình chuyển giao, Bộ đề nghị địa phương không để xảy ra khoảng trống, chồng chéo hoặc phân tán quản lý, nhất là các lĩnh vực then chốt như chuyên môn, nội dung chương trình, quản lý giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất trường học…
Tất cả nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường công lập khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã).
Học sinh lớp 1 ở TP HCM tựu trường, tháng 8/2023. Ảnh: Lệ Nguyễn
Đầu tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận 127, giao Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến, số tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ giảm từ 63 xuống 34; số xã giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000; bỏ cấp huyện.
Các đề án sáp nhập tỉnh, xã và không tổ chức cấp huyện đang được Trung ương thảo luận tại hội nghị 11 (từ 10 đến 12/4).
Thanh Hằng
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/giao-cap-xa-quan-ly-truong-hoc-tu-mam-non-den-thcs-4872972.html