Tối 7/5, Sở công bố kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của gần 50.300 giáo viên công lập từ tiểu học đến THPT. Trong số này, khoảng 4.700 người là giáo viên tiếng Anh, còn lại là các môn khác.
Phần lớn thầy cô tham gia khảo sát dạy tiểu học – gần 22.300 người, nhóm dạy THCS và THPT lần lượt khoảng 10.000 và 8.200.
Sở chia kết quả khảo sát thành ba nhóm: có độ tin cậy, chưa đủ độ tin cậy và chưa có thông tin tin cậy. Nhóm 1 là những bài của giáo viên tiếng Anh; giáo viên môn khác nhưng kết quả 2 kỹ năng bằng hoặc chỉ chênh lệch một bậc so với chứng chỉ, trình độ mà họ tự cung cấp; hoặc giáo viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả dưới B1 (bậc 3/6).
Những chưa đủ độ tin cậy là giáo viên các môn khác, thời gian làm bài ngắn, kết quả chênh lệch 2 bậc so với tự kê khai. Số lượng cụ thể ở từng nhóm không được công bố.
Dữ liệu ở nhóm đáng tin cậy cho thấy 41% giáo viên có trình độ tiếng Anh ở mức B1, 31% dưới mức này. Tỷ lệ thầy cô có trình độ từ B2 (bậc 4/6) trở lên là 28%.
Theo Luật Giáo dục, kể từ năm 2020, giáo viên từ tiểu học trở lên phải có bằng đại học. Người học cần đạt chuẩn về ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga…), tương đương mức B1 theo khung tham chiếu châu Âu trở lên mới được tốt nghiệp.
Nếu xét theo cấp học, trình độ của giáo viên tiểu học và THCS gần tương tự. Khoảng 30-33% thầy cô có trình độ dưới B1, 38-43% đạt mức B1, 27-29% có trình độ từ B2 trở lên.
Ở bậc THPT có sự khác biệt. Không có giáo viên nào đạt trình độ C2 (bậc 6 -cao nhất). 45% thầy cô đạt trình độ B2 và C1, cao hơn ở bậc tiểu học và THCS. Tỷ lệ giáo viên dưới mức B1 là 30%.
Kết quả khảo sát của Sở cũng cho thấy sự chênh lệch giữa giáo viên môn tiếng Anh và các môn khác. Trong khi 8% giáo viên tiếng Anh tham gia đạt mức C2, ở các môn khác không ai đạt điểm này. Ở trình độ C1, tỷ lệ giữa hai nhóm lần lượt là 45% và 2%.
Nếu không phân chia dữ liệu, mà tính chung kết quả, 17% giáo viên có trình độ dưới B1, thấp hơn nhiều so với dữ liệu được cho là tin cậy của Sở (41%).
Nhóm có năng lực tiếng Anh ở mức B2 và C1, lần lượt đạt 28, 29%, cao gấp đôi so với nhóm dữ liệu tin cậy.
So sánh kết quả khảo sát ở nhóm tin cậy và tổng quát:
Dữ liệu khảo sát tin cậy | Kết quả khảo sát chung | |
Dưới B1 | 31% | 17% |
B1 | 41% | 22% |
B2 | 14% | 28% |
C1 | 12% | 29% |
C2 | 2% | 4% |
Kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên công lập, được Sở tổ chức vào cuối tháng 4. Tất cả thầy cô làm bài trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR), từ A1 đến C2. Bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế.
Sở khẳng định kết quả khảo sát không dùng để xếp loại, đánh giá thi đua, xét lương thưởng. Dữ liệu này được dùng để khái quát bức tranh tổng thể về năng lực tiếng Anh của đội ngũ. Từ đó, Sở tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho họ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đây cũng là nền tảng để ngành giáo dục xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở, cho hay những giáo viên thuộc diện cần nâng cao năng lực tiếng Anh sẽ được tự chọn hình thức, phương pháp bồi dưỡng, đơn vị giảng dạy phù hợp hoặc tự học, miễn đạt mục tiêu.
Những giáo viên có năng lực tiếng Anh tốt, có nguyện vọng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh sẽ được Sở cử đi học bằng ngân sách nhà nước.
Lệ Nguyễn
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/cong-bo-ket-qua-khao-sat-tieng-anh-cua-giao-vien-tp-hcm-4883004.html