Kết hợp giáo dục – nghệ thuật – công nghệ, dự án “Trạm xanh tái chế” (Green Point) hướng đến lan tỏa lối sống xanh và tạo động lực để sinh viên hành động vì môi trường. Từ việc đổi rác lấy quà qua nền tảng công nghệ Grac đến các hoạt động sáng tạo như workshop vẽ tranh tái chế, dự án là một cách hiện thực hóa chiến lược PepsiCo Positive (pep+) – cam kết toàn cầu của PepsiCo về phát triển bền vững, lấy con người và hành tinh làm trọng tâm.
Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Foods), cho biết dự án này là khởi đầu quan trọng của hành trình thực hiện chiến lược pep+ tại Việt Nam. Chiến lược hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng thu gom, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn thông qua ứng dụng công nghệ và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm giải quyết vấn đề rác thải đang bức thiết.
Workshop “Nghệ thuật tái chế – Vẽ xanh tương lai” do Ths. Hà Phan Kim Nguyệt – Nhà sáng lập Upgreen Việt Nam và TS. Lê Minh Trường, Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang hướng dẫn, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò của tái chế trong xây dựng hệ sinh thái xanh, bền vững cho cộng đồng. Ảnh: PepsiCo Foods
Vẽ tranh tái chế vì môi trường
Là hoạt động được mong chờ nhất trong dự án, workshop vẽ tranh DIY diễn ra vào ngày 24/2 tại Trường Đại học Bách khoa TP HCM và ngày 27/3 tại Trường Đại học Văn Lang, thu hút đông đảo sinh viên tham dự. Với chủ đề “Nghệ thuật tái chế – Vẽ xanh tương lai”, workshop tạo một không gian sáng tạo giúp các bạn trẻ tự do thể hiện góc nhìn về môi trường thông qua hội họa. Trong quá trình sáng tạo, các sinh viên được hướng dẫn thực hiện từ phác thảo trên nền nhựa, tô màu, quét keo, rải vụn nhựa đến hoàn thiện tác phẩm. Việc sử dụng các vật liệu tái chế trong sáng tác vừa mới lạ vừa giúp người tham gia hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tái chế và giảm thiểu rác thải.
Workshop tại Đại học Bách khoa TP HCM đã tìm ra 5 bức tranh xuất sắc – vừa đảm bảo tính sáng tạo vừa kể được câu chuyện ý nghĩa về môi trường. Trong đó, giải nhất thuộc về Thanh Hà với bức tranh Nỗi lòng của tôi – Nỗi lòng của môi trường. Tác phẩm khắc họa hình ảnh một cô gái với đôi mắt chứa đầy nước mắt trước thực trạng môi trường bị tàn phá, thể hiện nỗi đau chung của con người trước sự suy thoái của hành tinh.
Hoài Thanh đạt giải nhì với bức tranh Cây xương rồng bền bỉ trong mọi điều kiện môi trường, biểu tượng cho sự kiên cường của thiên nhiên và khả năng thích nghi trước biến đổi khí hậu. Giải ba thuộc về bức tranh Việt Nam chung tay cùng thế giới bảo vệ môi trường của bạn Cát Tường.
Thanh Hà, chủ nhân của giải Nhất tại workshop Trường Đại học Bách khoa TP HCM thuyết trình về tác phẩm. Ảnh: PepsiCo Foods
Workshop tại Trường Đại học Văn Lang cũng đã tìm được chủ nhân của ba giải thưởng. Giải nhất thuộc về Minh Châu với tác phẩm Deep In Love – Deep In Sea, với hình ảnh mặt trời chiếu rọi xuống làn nước trong xanh nơi những chú cá heo tung tăng bơi lội. Minh Châu chia sẻ ý nghĩa đằng sau bức tranh: “Chỉ khi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, giữ cho nguồn nước trong lành mới có thể đảm bảo môi trường sống cho các loài sinh vật biển. Qua bức tranh này, em muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đại dương và hệ sinh thái biển”.
Giải nhì thuộc về Hà Ngân với bức tranh Đầm sen. Lục Ngạn giành giải ba với bức tranh Đại dương. Cả ba bức tranh đạt giải cao nhất của sinh viên Văn Lang đều truyền tải thông điệp về bảo vệ nguồn nước sạch – tài nguyên quan trọng trong cuộc sống và hoạt động sản xuất hàng ngày nhưng đang dần khan hiếm do ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường. Những tác phẩm phần nào cất lên tiếng nói của các bạn trẻ về gìn giữ môi trường sống cho cây cối và sinh vật, hướng đến một hành tinh xanh – sạch – bền vững cho thế hệ tương lai.
Minh Châu chia sẻ về tác phẩm Deep In Love – Deep In Sea. Ảnh: PepsiCo Foods
Đại diện ban tổ chức nhận xét, mỗi bức tranh không chỉ thể hiện tư duy nghệ thuật mà còn phản ánh nhận thức của sinh viên về lối sống bền vững. Bên cạnh việc thực hành phân loại và tái sử dụng rác thải nhựa, workshop lan tỏa thông điệp “Reuse – Reduce – Recycle” (giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế), kêu gọi các bạn trẻ nhìn nhận về thực trạng môi trường và thể hiện trách nhiệm của mình đối với hành tinh.
Đổi rác lấy quà qua nền tảng Grac
Kết hợp với nền tảng công nghệ thu gom rác Grac, “Trạm xanh tái chế” cũng giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của sinh viên đối với phân loại và tái chế rác thải, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.
Sau hơn 5 tháng triển khai, dự án ghi nhận hơn 3.600 sinh viên trải nghiệm nền tảng công nghệ Grac để đổi rác lấy quà với hơn 3.900 lượt đổi rác. Tại hai trường Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Văn Lang, hơn 7.900 bao bì snack, 3.130 kg giấy và vỏ hộp sữa, 3.590 kg chai nhựa và túi nilon cùng 455 kg lon nhôm đã được thu gom và xử lý, góp phần giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường.
Hơn 4.300 phần quà như sen đá, sổ tay, móc khóa hay túi tote đã được trao tặng đến tay sinh viên thông qua nền tảng Grac – nơi mọi người có thể “đổi rác lấy quà”. “Nhờ có công nghệ, việc phân loại và thu gom rác trở nên tiện lợi, hiệu quả, và thú vị hơn khi mỗi hành động xanh đều được ghi nhận”, một sinh viên chia sẻ. Nhiều sinh viên cũng giới thiệu Grac đến bạn bè và người thân, để rác thải nhựa và các loại rác thải sinh hoạt khác có thể đến trực tiếp các đơn vị tái chế, không lãng phí nguồn lực cho vận chuyển, tập kết và chôn lấp ở các bãi rác đã quá tải.
Theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và thách thức đối với kinh tế tuần hoàn nhựa” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới công bố năm 2021, Việt Nam lãng phí từ 2,2 tỷ đến 2,9 tỷ USD do không tái chế hết rác thải nhựa. Cụ thể, chỉ có 33% trong tổng số 3,9 triệu tấn nhựa thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Nghiên cứu ước tính rằng nền kinh tế đã lãng phí đến 75% giá trị vật liệu nhựa.
Một sinh viên sử dụng nền tảng Grac để đưa rác thải đến trực tiếp các đơn vị tái chế. Ảnh: PepsiCo Foods
“Trạm xanh tái chế” cũng kết nối các sinh viên với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp đã và đang làm việc, nghiên cứu về lĩnh vực quản lý, thu gom, tái chế rác thải nhựa và môi trường.
Với những kết quả ban đầu, PepsiCo Foods dự kiến sẽ mở rộng dự án “Trạm xanh tái chế” đến nhiều trường đại học khác trong năm 2025. Theo đơn vị, đây không chỉ là hoạt động bảo vệ môi trường, mà còn góp phần giúp sinh viên phát triển kỹ năng sống, sáng tạo và chủ động hơn trong hành trình “xanh hóa” tương lai. Bằng cách tận dụng thế mạnh công nghệ, phát huy sức trẻ và tinh thần hành động, dự án đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu “không tạo ra rác thải” -khởi đầu từ môi trường học đường, lan tỏa ra cộng đồng và xã hội.
Kim Kim
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/du-an-tai-che-thu-hut-hon-3-600-sinh-vien-tham-gia-4868268.html