Có nên giáo dục con từ sớm

Chị Phạm Xuân Hương – thạc sĩ marketing quốc tế, chuyên gia hoạch định chiến lược và dành nhiều tâm huyết cho giáo dục – chia sẻ về chủ đề giáo dục con từ sớm.

Bé út nhà tôi bị rối loạn ngôn ngữ bẩm sinh. Lúc con còn nhỏ, tôi từng nghĩ: con mình chậm nói, phải lo dạy bé học trước từ từ, không thể để vào lớp 1 mà không biết gì, rất khó theo kịp bài giảng.

Tôi đề cập vấn đề trên với giáo viên gốc Mỹ, đang công tác ở trường giáo dục đặc biệt con theo học. Anh định nghĩa “học sớm” không giới hạn độ tuổi, miễn sao trẻ tập đánh vần hay đọc vui vẻ, dù 3-4 tuổi vẫn không sớm và ngược lại.

Cha mẹ nên để con tự giác học sớm. Ảnh: Phạm Xuân Hương

An tâm với lời giải thích của thạc sĩ giáo dục Mỹ, tôi bắt đầu cho con học sớm. Tôi không dạy con bằng bộ sách giáo khoa lớp 1, về sau cũng không cho bé học trước chương trình trong sách. Bởi đã học qua, lên tiểu học lặp lại y chang, con sẽ rất chán, phí thời gian.

Thay vào đó, tôi hướng dẫn bé đánh vần, đọc sách, thi ca. Các sách tập đọc chỉ trích vài câu thơ, đoạn văn ngắn, tôi mua luôn quyển thơ và truyện thiếu nhi để đọc cùng con. Với truyện tranh, bé có thể tự đọc một mình. Mỗi tối, hai mẹ con đọc rất nhiều tác phẩm văn học dành cho trẻ.

Bên cạnh những sáng tác hư cấu, con còn đọc sách kiến thức – từ tiểu sử danh nhân thế giới, lịch sử, xã hội đến khoa học. Lớp 4, bé đã đọc rất nhiều sách tiếng Anh, đa dạng chủ đề. Mức độ khó tăng dần theo độ tuổi.

Giữa học trước đoạn trích ngắn trong sách giáo khoa với đọc trọn cuốn sách, tôi thấy con hiểu sâu hơn, thỏa mãn trí tò mò, tưởng tượng.

Tuy nhiên, học sớm không đơn giản là ép con đọc sách, mà là tiếp nhận kiến thức đầu vào (tức kiến thức thụ động). Từ thụ động đến chủ động là quá trình chuyển hóa dài. Để đẩy nhanh tốc độ, tôi giúp con động não, hình thành năng lực tư duy từ khối kiến thức con tiếp nhận.

Đọc nhiều không quan trọng bằng đọc sâu, tức vừa đọc, vừa suy nghĩ, đặt câu hỏi, thảo luận kiến thức mình vừa tiếp thu.

Khi con lớn hơn, mỗi lần con đọc xong một cuốn sách, tôi thường động viên bé viết những gì đang nghĩ trong đầu.

Học sớm của tôi là thế, không dạy trước sách giáo khoa, không ép quá sức con hay nhồi nhét công thức khô khan. Tôi không bắt bé học thuộc làu kiến thức cao siêu, những thứ con không hiểu, càng không thẩm thấu được.

Ngược lại, con hoàn toàn tự chủ động trong việc đọc, thích thú với nội dung trong từng trang sách, từ đó hình thành khả năng tư duy theo mức độ khó của từng loại sách.

Nói tóm lại, giáo dục sớm đơn giản là dạy dỗ con từ sớm: đọc sách và yêu thói quen này; khuyến khích con khai mở trí tưởng tượng, sự tò mò, khám phá thế giới; giúp con hình thành ý thức tự lập, tư duy độc lập; có mơ ước, hoài bão, mục tiêu; biết thảo luận, lập luận, phản biện; có nhận thức bản thân và xã hội từ sớm.

Để dạy con những điều như trên từ sớm, cha mẹ cần trò chuyện và giải thích thấu đáo, đảm bảo trẻ hiểu sâu, chứ không phải ôm bộ sách giáo khoa theo kiểu học trước vội vàng.

Cha mẹ có thể dạy con đọc sách từ sớm. Ảnh: Phạm Xuân Hương

Mục tiêu của giáo dục sớm là giúp con hiểu sâu, học thật giỏi thật, chứ không chạy theo giáo án. Bất kể bước vào môi trường nào, con đều ung dung học tốt, nhờ nền tảng được xây dựng từ giáo dục sớm.

Phạm Xuân Hương

Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/co-nen-giao-duc-con-tu-som-4881934.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *