GS Deborah Eyre, người sáng lập học thuyết Học tập siêu hiệu quả – High Performance Learning (HPL), chuyên gia giáo dục nổi tiếng, đưa ra lời khuyên trên tại diễn đàn RedefinED 2024 do trường Nguyễn Siêu tổ chức, ngày 22/11 tại Hà Nội.
Bà Deborah Eyre dẫn một khảo sát với giáo viên, phụ huynh và học sinh. Với câu hỏi “Có bao nhiêu phần trăm học sinh của bạn có khả năng đạt được thành tích cao?”, trong 4 phương án gồm 36 – 57 – 83 và 99%, hầu hết chọn mức thấp nhất.
“Tôi nghĩ rằng đáp án đúng phải là 99%. Bất kỳ học sinh nào cũng có khả năng để đạt được thành tích cao”, bà Deborah Eyre nói.
Lý giải, bà đưa ra một thử nghiệm từ năm 1968, để tìm hiểu về tác động của những kỳ vọng của giáo viên tới học sinh. Vào đầu năm học, giáo viên được nghe chia sẻ về những em có tiềm năng học tốt nên đặt kỳ vọng vào những em này. Kết quả, nhóm này đạt thành tích cao.
Thực tế, các em được lựa chọn ngẫu nhiên. Nhóm nghiên cứu đánh giá nhờ giáo viên đặt kỳ vọng, học sinh đã đạt kết quả học tập tích cực.
Một ví dụ khác được bà Deborah Eyre đưa ra là chuyện thi sát hạch lái xe. Có những người thấy việc lái xe như bản năng, thi một lần là lấy được bằng ngay. Nhưng cũng có những người phải thi 3-4 lần mới đạt. Song, việc này không quyết định ai sẽ lái xe giỏi hơn.
“Tương tự ở trường học, những người nắm ý nhanh nhất chưa chắc phải là những người giỏi nhất. Ngược lại, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng học sinh mất nhiều thời gian học hơn để nắm kiến thức vẫn có khả năng tiến xa trong học tập, nếu họ kiên trì”, bà nói.
Từ những ví dụ trên, bà cho rằng giáo viên cần thay đổi suy nghĩ và đặt kỳ vọng vào tất cả học sinh. Việc các em chưa đạt kết quả cao ở một thời điểm nào đó là bình thường.
Bà nhấn mạnh khi học sinh được giáo viên tin tưởng, được khen ngợi bằng những lời lẽ tích cực, học sinh sẽ thoải mái, tự tin, hạnh phúc hơn, từ đó thể hiện được năng lực tư duy tốt hơn và đạt kết quả cao hơn.
Ngược lại, nếu giáo viên mặc định học sinh không thể học tốt, các em sẽ căng thẳng, dẫn đến không có hứng thú để học tập, kéo theo thành tích ngày càng đi xuống.
“Cách nói của giáo viên là cầu nối tác động rất lớn đến học sinh”, bà Deborah Eyre khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, giáo viên môn Tiếng Anh, trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, tâm đắc với quan điểm này. Cô nói nhận thấy học sinh thay đổi rất nhiều khi được giáo viên quan tâm, tin tưởng.
Cô Mai lấy ví dụ khi đánh giá học sinh, trường áp dụng ba mức là: chưa đạt được kỳ vọng, đạt kỳ vọng và tích cực. Chỉ cần học sinh tuân thủ các yêu cầu cơ bản như chú ý nghe giảng, tôn trọng mọi người, học sinh đã được đánh giá “đạt kỳ vọng”. Học sinh “chưa đạt kỳ vọng” do chưa đạt được các tiêu chuẩn hành vi như mong đợi sẽ được giải thích lý do, gợi ý giải pháp để cải thiện. Một email nhận xét chi tiết cũng được gửi tới học sinh kịp thời.
“Cách làm này rất hữu ích, giúp khích lệ học sinh và khiến các em tự giác hơn để học tập tốt hơn”, cô Mai nói.
Dương Tâm
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/chuyen-gia-quoc-te-khuyen-giao-vien-bo-suy-nghi-hoc-sinh-khong-the-gioi-4819245.html