Sự kiện do Swinburne Việt Nam tổ chức với chủ đề “Giám sát và Bảo mật Đám mây cho các ứng dụng quan trọng”.
AI là “bình thường mới”
Trong bài trình bày tại hội thảo SwinCloud 2025, ông Hiếu Hoàng – Giám đốc Kiến trúc Giải pháp, Amazon Web Services (AWS) Việt Nam nhấn mạnh, AI tạo sinh (generative AI) đã trở thành một phần tất yếu trong mọi lĩnh vực, không còn là khái niệm lý thuyết xa vời.
Theo ông, generative AI đang chuyển đổi doanh nghiệp qua bốn ứng dụng chính: tăng cường trải nghiệm người dùng như chatbot, tổng đài AI; công cụ tối ưu hóa hiệu suất, phân tích dữ liệu nâng cao và có insight; hỗ trợ tự động sáng tạo nội dung bao gồm viết kịch bản, tạo nội dung đa phương tiện.
Tác động của AI tạo sinh không chỉ dừng lại ở môi trường doanh nghiệp, mà còn lan rộng khi sinh viên, học sinh thường xuyên ứng dụng vào quá trình học tập và nghiên cứu của mình. “Công nghệ này đã trở thành ‘bình thường mới’. Việc ứng dụng không còn là sự lựa chọn nữa, mà là yếu tố thiết yếu để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Ông Hiếu Hoàng chia sẻ về generative AI. Ảnh: Swinburne Việt Nam
Tiếp nối quan điểm này, ông Trần Thế Trung – Phó giám đốc bộ phận Sản phẩm AI, FPT Smart Cloud chia sẻ, hệ sinh thái AI toàn diện giúp doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng trí tuệ nhân tạo. AI Factory tích hợp nhiều giải pháp AI tiên tiến như AI Mentor, xử lý tài liệu thông minh và nâng cấp trung tâm liên lạc bằng AI, giúp tối ưu vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Hệ thống này cũng cung cấp các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tinh chỉnh và triển khai mô hình AI dễ dàng.
Về mặt hạ tầng, AI Factory sử dụng công nghệ GPU tiên tiến từ Nvidia, đảm bảo hiệu suất tính toán cao và khả năng mở rộng linh hoạt. Với hệ thống hoạt động tại TP HCM, Hà Nội và Nhật Bản, nền tảng này mang lại sự ổn định, tính dự phòng cao và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
“Khi AI ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, việc ứng dụng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính đạo đức và an toàn, đặc biệt trước các thách thức như deepfake và tin giả”, ông Trung nhấn mạnh.
Bảo mật và giám sát hệ thống trong môi trường đám mây
Đây là một trong những chủ đề trọng tâm tại hội thảo SwinCloud 2025. Ông Hiếu Ngô – đồng sáng lập Chongluadao.vn đã chỉ ra những rủi ro bảo mật khi doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây, như rò rỉ dữ liệu, tấn công mã độc và lỗ hổng do cấu hình sai. “Nếu không có hệ thống giám sát chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ rất khó nhận ra các dấu hiệu bất thường trước khi quá muộn”, ông nói.
Ông Hiếu Ngô đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nếu doanh nghiệp không chủ động bảo vệ dữ liệu trong thời đại hiện nay. Ảnh: Swinburne Việt Nam
Giải pháp đề xuất bao gồm giám sát liên tục, ứng dụng AI để phát hiện hành vi đáng ngờ và nâng cao nhận thức bảo mật cho nhân sự, bao gồm cả kỹ thuật tấn công phi kỹ thuật (social engineering). Bằng cách chủ động bảo vệ hệ thống, doanh nghiệp có thể đảm bảo môi trường đám mây an toàn và hiệu quả.
Trong phiên thảo luận về Ứng dụng Đám mây trong Doanh nghiệp: Giám sát và Bảo mật, các chuyên gia từ AWS, FPT, VPBank… cũng đưa ra góc nhìn thực tế về việc triển khai hạ tầng đám mây trong môi trường doanh nghiệp. Việc ứng dụng điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí hạ tầng, linh hoạt trong vận hành và dễ dàng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm thách thức về bảo mật dữ liệu, tuân thủ quy định pháp lý và quản lý hiệu suất hệ thống.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát và bảo mật, khuyến nghị áp dụng mô hình Zero Trust, mã hóa dữ liệu, phân quyền truy cập nghiêm ngặt và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn như ISO 27001, GDPR.
Theo ông Thái Phạm, đại diện VPBank, việc ứng dụng đám mây trong ngành tài chính đòi hỏi hệ thống bảo mật nhiều lớp, kiểm soát chặt chẽ và sự phối hợp liên tục giữa các bộ phận kỹ thuật và vận hành. “Chỉ khi đảm bảo an toàn, doanh nghiệp mới có thể tận dụng toàn diện lợi ích của công nghệ này”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tiếp tục đào sâu về bảo mật với trọng tâm là vai trò của AI trong giám sát và bảo vệ hệ thống trên nền tảng điện toán đám mây. AI giúp tự động hóa quy trình phản ứng với sự cố (Incident Response), giảm thiểu sai sót và tăng hiệu quả giám sát. Tuy nhiên, công nghệ này không thể thay thế hoàn toàn con người, cần có sự giám sát và điều chỉnh liên tục.
Hai phiên thảo luận cho thấy bức tranh điện toán đám mây và generative AI mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đi kèm với rủi ro bảo mật có thể được hỗ trợ giải quyết bởi AI. Trong tương lai, các đơn vị cần liên tục cập nhật công nghệ, kết hợp AI tạo sinh với chiến lược bảo mật toàn diện để khai thác tối đa lợi ích của điện toán đám mây trong một môi trường an toàn.
Các chuyên gia tham gia hai phiên thảo luận. Ảnh: Swinburne Việt Nam
Trải nghiệm thực hành
Ngoài các bài tham luận chuyên sâu, hội thảo có hai buổi workshop thực hành. Người tham gia, đặc biệt là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin của Swinburne Việt Nam và chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm của Viện Công nghệ & Quản trị FSB, có cơ hội trực tiếp trải nghiệm giải pháp bảo mật, giám sát hệ thống trên nền tảng đám mây.
Qua hướng dẫn chuyên sâu về Bảo mật Đám mây (Cloud Security) của ông Hiếu Ngô và TS. Phạm Văn Đại (Swinburne Việt Nam), sinh viên có thể tiếp cận kiến thức thực tế về phòng chống tấn công mạng, bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tuân thủ quy định an ninh thông tin. Các bạn có thể học lý thuyết, thực hành trên các công cụ bảo mật hiện đại, rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống thực tế trong môi trường doanh nghiệp.
Khép lại hội thảo, chuyên gia thống nhất, điện toán đám mây và generative AI là các công nghệ nền tảng của tương lai xã hội số, đồng thời, đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của doanh nghiệp và tổ chức hiện đại.
Nhật Lệ
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/chuyen-gia-ban-ve-ba-xu-huong-cong-nghe-trong-ky-nguyen-so-4869140.html