Bộ Giáo dục: Có bất công giữa các tổ hợp xét tuyển đại học

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu nhận định này tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, sáng 31/10.

Theo ông Chương, thống kê cho thấy điểm trung bình các môn Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) tăng nhẹ hàng năm. Ngược lại, các môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh học) có điểm ổn định và thấp hơn.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến thí sinh có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội, để có lợi thế khi đăng ký xét tuyển đại học.

“Đây cũng là yếu tố có phần bất lợi giữa các tổ hợp khi xét tuyển đại học. Chúng tôi đang nghiên cứu để có giải pháp công bằng”, ông nói.

Ý kiến của ông Chương trong bối cảnh không ít trường đang xét tuyển nhiều tổ hợp cho cùng một ngành, song lại lấy cùng mức điểm chuẩn, khiến các thí sinh đăng ký bằng tổ hợp có môn Tự nhiên thua thiệt.

Môn học Điểm TB 2020 Điểm TB 2021 Điểm TB 2022 Điểm TB 2023 Điểm TB 2024
Toán 6.67 6.61 6.47 6.25 6.45
Ngữ văn 6.61 6.47 6.51 6.86 7.23
Vật lý 6.72 6.56 6.72 6.57 6.67
Hoá học 6.71 6.63 6.70 6.74 6.68
Sinh học 5.59 5.51 5.02 6.39 6.28
Lịch sử 5.19 4.97 6.34 6.03 6.57
Địa lí 6.78 6.96 6.68 6.15 7.19
Giáo dục công dân 8.14 8.37 8.03 8.29 8.16
Tiếng Anh 4.57 5.84 5.15 5.45 5.51

Giai đoạn 2020-2024, mỗi năm cả nước có khoảng 900.000 đến một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Các em thi ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, cùng một bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).

Số chọn bài thi Khoa học tự nhiên luôn thấp hơn Khoa học xã hội, trừ ở TP HCM theo chiều ngược lại (khoảng 61% chọn thi Khoa học tự nhiên).

Lý giải, ông Chương cho rằng đề thi giữa các năm và giữa các môn Khoa học tự nhiên và xã hội không đồng đều dẫn đến tình trạng “lạm phát điểm cao”.

Việc xây dựng ngân hàng đề thi trong năm học 2020-2021 gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ thiếu chuyên gia ra đề, phải huy động giáo viên, giảng viên từ các trường tham gia. Những người này lại vừa dạy, vừa ôn luyện cho học sinh.

Ngoài ra, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực) khiến chỉ tiêu xét tuyển đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp bị thu hẹp. Nhiều em điểm cao nhưng không đỗ nguyện vọng mình yêu thích.

2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Thí sinh thi hai môn bắt buộc Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.

Ông Chương cho hay Bộ dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp, theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập (học bạ) của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50%.

Các năm trước, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp. Tỷ lệ đỗ trong 5 năm qua đều đạt 98,3-99,4%.

Theo ông Chương, thay đổi nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lệ Nguyễn

Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/bo-giao-duc-co-bat-cong-giua-cac-to-hop-xet-tuyen-dai-hoc-4810530.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *