Nội dung được nêu tại buổi tọa đàm lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 1/7.
Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ đào tạo trong phạm vi được cấp phép. Những chương trình do Bộ trưởng phê duyệt gồm: đào tạo tiến sĩ; đào tạo giáo viên, khoa học sức khỏe, pháp luật; chương trình do cơ quan thẩm quyền đặt hàng hoặc đã khắc phục vi phạm sau khi bị đình chỉ.
Theo Luật hiện hành, các trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình ở bậc đại học, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành phù hợp ở bậc tiến sĩ, trừ khối ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.
PGS.TS Trịnh Quốc Trung, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, trường Đại học Luật TP HCM, hỏi liệu các trường từng được cấp phép đào tạo trình độ tiến sĩ có cần xin phê duyệt lại hay không.
“Chủ trương của Bộ là sẽ siết chặt đào tạo tiến sĩ”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Lý giải, ông Sơn cho hay cả nước có nhiều trường đào tạo tiến sĩ. Thời gian qua, Bộ nhận được không ít ý kiến phàn nàn về chất lượng đào tạo trình độ này của các đại biểu quốc hội và người dân. Do đó, Bộ thấy cần quy hoạch lại để kiểm soát chất lượng. Số cơ sở có quyền đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ bị thu hẹp.
“Riêng chương trình đào tạo tiến sĩ thì Bộ sẽ phê duyệt 100%”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Ảnh: BTC
Còn PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng có bất cập trong quy trình mở chương trình này. Lâu nay, các trường muốn mở trình độ thạc sĩ thì phải có đào tạo đại học. Tương tự, muốn đào tạo tiến sĩ thì phải có bậc thạc sĩ. Trong khi ở các đại học nước ngoài, số chương trình đào tạo thạc sĩ còn nhiều hơn đại học, tức đào tạo mà không cần mở ngành tương ứng ở bậc dưới.
“Nếu chúng ta cứ quy định cứng nhắc thì khó mở chương trình đào tạo tiến sĩ, chờ đến 7-8 năm, mở từng bậc thì quá lâu”, ông Trung nói.
PGS.TS Trung đề xuất Bộ xem xét cho các trường đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, miễn là đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình. Việc này nhằm nhanh chóng đào tạo được nhân lực cấp cao cho những lĩnh vực mới như AI, bán dẫn, blockchain.
Về các điều kiện cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ sẽ thảo luận chi tiết sau. Định hướng chung là sẽ tạo hành lang pháp lý “thông thoáng” cho các trường.
Tính đến cuối năm 2024, gần 100 trong số hơn 240 trường đại học trong cả nước đào tạo bậc tiến sĩ. Tổng chỉ tiêu khoảng 5.000 đến hơn 7.000 mỗi năm.
Theo một báo cáo của Bộ, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Năm 2021, Việt Nam có khoảng 12.000 nghiên cứu sinh. Tính tỷ lệ trên dân số, con số này chưa bằng một phần ba so với Malaysia và Thái Lan, bằng một phần hai so với Singapore và xấp xỉ một phần chín so với trung bình 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trong khoảng 91.300 giảng viên ở bậc đại học, chừng 33% có trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ này ở các đại học Anh, Mỹ hay Malaysia, Srilanca lên đến 50-75%.
Lệ Nguyễn
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/thu-truong-giao-duc-se-siet-dao-tao-tien-si-4908916.html