Tô Ngọc Hà, quê ở huyện Chí Linh, học chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Còn Phạm Thị Kim Ngân quê huyện Thanh Hà, học ngành Hệ thống thông tin quản lý.
Hai cô gái cùng sinh nhật 3/4/2003, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đợt tháng 4 với điểm 4/4. Hà và Ngân là hai trong ba sinh viên tốt nghiệp sớm năm nay với điểm tuyệt đối.
“Không quen biết nhau từ trước nên bọn mình thấy rất bất ngờ và thú vị khi biết có một bạn cùng quê, trùng ngày tháng năm sinh, lại tốt nghiệp cùng nhau như thế này”, cả hai bày tỏ.
TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng nhìn nhận đây là “sự trùng hợp thú vị”. Năm 2023, trường mới có thủ khoa đầu tiên đạt 4.0 từ khi đổi cách tính điểm theo hệ 4.
“Chúng tôi mong sẽ có nhiều thủ khoa 4.0 với những điểm thú vị hơn nữa xuất hiện, và sẽ giới thiệu các em trong lễ tốt nghiệp vào tháng 8 tới đây”, ông Nghĩa nói.
Kim Ngân (bên trái) và Ngọc Hà. Ảnh: Thanh Hằng
Là cựu học sinh chuyên Toán, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Ngọc Hà học kinh tế vì muốn học hỏi được nhiều kỹ năng, có sự linh hoạt khi chọn ngành nghề. Còn Kim Ngân, cựu học sinh trường THPT Hà Đông, muốn học một ngành có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh tế, nên chọn Hệ thống thông tin quản lý.
Năm 2021 khi cả hai trở thành tân sinh viên, Covid-19 diễn biến phức tạp nên Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức học online. Chưa được thăm trường hay gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè, hai nữ sinh đều thấy khó khăn khi phải bắt nhịp với chương trình đại học qua màn hình máy tính.
Dù vậy, sự sôi nổi của bạn bè và bài giảng cuốn hút khiến cả hai hào hứng. Hà kể thầy cô thường lấy ví dụ gắn với thực tế, giao nhiều bài tập mở để sinh viên phát biểu, nên dần thoải mái “giơ tay” trong giờ, nhờ vậy mà hiểu bài hơn.
Đều xác định mục tiêu ra trường sớm với điểm tốt, hai nữ sinh học vượt 1-2 môn mỗi kỳ, suýt soát đạt ngưỡng tối đa được đăng ký là 25 tín chỉ.
Cả hai cũng khá tương đồng về phương pháp học. Theo Ngân và Hà, thời gian học trên lớp là lúc tiếp thu kiến thức mới tốt nhất, nếu không hiểu cũng có thể hỏi lại thầy cô ngay. Thời gian ở nhà, hai nữ sinh chủ yếu dành cho việc ôn tập.
Để duy trì điểm tốt, Hà và Ngân đều chú trọng từng điểm thành phần, không chỉ dồn cả vào điểm thi, dù điều này rất áp lực.
“Đôi khi chỉ vì dậy muộn, không điểm danh hoặc điểm giữa kỳ không tốt cũng có thể khiến môn đó không được 4 như mong đợi. Mình là người cầu toàn, nên luôn muốn mọi thứ chỉn chu, chủ động”, Ngân bày tỏ.
Khi làm bài tập nhóm, Ngân và Hà cũng thường làm nhóm trưởng. Việc này giúp hai nữ sinh có thêm một lần ôn tập khi tổng hợp tài liệu của các thành viên. Lúc gần thi, cả hai chia đều lịch học cho từng môn, ưu tiên hơn cho môn có nhiều tín chỉ, hoặc môn mà điểm thành phần chưa tốt.
“Giữ sự tập trung như nhau cho mọi môn là rất khó, nên cần có chiến thuật lúc ôn thi, bằng cách phân chia thời gian học dựa trên thế mạnh, điểm yếu và độ khó từng môn”, Hà chia sẻ.
Hai nữ sinh nói không tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nếu có thường chủ yếu ở hai năm đầu, để dành thời gian cho việc học.
“Mình nghĩ đây cũng là điều đánh đổi. Với mình thì muốn học tốt cần giảm hoạt động ngoại khóa”, Ngân nhìn nhận.
Dù vậy, nhờ sắp xếp khoa học, cả hai vẫn còn thời gian rảnh cho các sở thích cá nhân, gặp gỡ bạn bè. Song song với chuyên ngành chính là Logistics, từ năm hai, Hà đăng ký học thêm ngành Thương mại điện tử.
Hiện, Ngân làm chuyên viên phân tích nghiệp vụ tại một công ty công nghệ. Công việc hàng ngày của cô là thiết kế cơ sở dữ liệu, giao diện mô phỏng phần mềm dựa trên yêu cầu của khách hàng, sau đó kiểm thử chất lượng. Cô cho biết vị trí hiện tại đúng với chuyên ngành được học. Trong tương lai, Ngân muốn du học một ngành về công nghệ và thử sức làm trong lĩnh vực giáo dục.
Còn Hà đang hoàn thành nốt chương trình còn lại, dự kiến tốt nghiệp vào cuối năm nay. Thời gian tới, cô sẽ tìm vị trí thực tập cho chuyên ngành đại học thứ hai, dự định học thêm tiếng Trung để có thêm cơ hội nghề nghiệp.
Thanh Hằng
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/hai-nu-sinh-cung-que-trung-sinh-nhat-dan-dau-dh-kinh-te-quoc-dan-4882933.html