Lý Gia Tiến, sinh viên song ngành Kỹ thuật Tàu thủy – Hàng không, trường Đại học Bách khoa TP HCM, hoàn thành chương trình sớm 1,5 năm với bằng loại khá, điểm GPA 3,1/4.
“Em từng xếp 35/42 trong lớp ở phổ thông. Đến nay, em mới có chút tự hào và tin vào năng lực của mình”, Tiến chia sẻ.
Tiến là cựu học sinh trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh, với điểm chuẩn lớp 10 thuộc nhóm thấp nhất TP HCM. Em kể thời phổ thông rất lười học, cốt chỉ để qua môn, lên lớp. Năm lớp 10 và 11, Tiến xếp loại trung bình khá.
Lý Gia Tiến trong ngày tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, ngày 26/4. Ảnh: Lệ Nguyễn
Bước ngoặt đến với Tiến vào hè năm lớp 11, khi tình cờ xem video chia sẻ công việc của Youtuber Thỏ Hoàng, nhân viên bảo dưỡng máy bay, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP HCM.
Tò mò và thích thú, Tiến tìm hiểu và nhận định bảo dưỡng máy bay là công việc mình muốn gắn bó. Em xác định phải học ngành Kỹ thuật hàng không và Bách khoa là nguyện vọng duy nhất.
“Em nghĩ trước đây mình lười học vì không có định hướng tương lai, không đam mê lĩnh vực hay công việc gì. Giờ, em có động lực để thay đổi”, Tiến nói.
Biết để cạnh tranh vào Bách khoa không dễ dàng trong khi học lực trung bình, nam sinh xác định đây là hành trình gian nan. Tiến lao đầu vào học thêm Toán, Lý, Hóa, đọc lại sách giáo khoa hay hỏi bài bạn bè, thầy cô để lấy lại kiến thức đã mất gốc.
Suốt mùa hè lớp 11, lịch học của em dày đặc từ 7h sáng đến tận 10h đêm mới về đến nhà. Khi dần nắm vững kiến thức căn bản, Tiến thử sức với kỳ thi giải Toán bằng máy tính cầm tay và đạt giải ba năm lớp 12. Kết quả này tiếp thêm động lực, giúp em tự tin theo đuổi mục tiêu.
Để mở rộng cơ hội, nam sinh dành một tháng tự ôn thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức và đạt điểm số 885/1.200, thừa 20 điểm so với chuẩn đầu vào song ngành Kỹ thuật Tàu thủy – Hàng không.
Thích học về hàng không nhưng với chương trình đại trà, sinh viên chỉ có lựa chọn học song ngành trong 5 năm nên Tiến quyết định “liều thêm một phen”. Em cũng tìm hiểu và thấy hai ngành này chung kiến thức đại cương, cơ sở ngành, chỉ khác nhau nội dung năm cuối. Quá trình học, chương trình ngành tàu thủy cung cấp cho Tiến một số kiến thức và kỹ năng mà ngành Kỹ thuật hàng không ít có như làm việc trên bản vẽ.
Muốn sớm tự lập tài chính, không dựa dẫm vào gia đình, Tiến xây dựng lộ trình học tập chi tiết. Nam sinh nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo, quy chế đăng ký tín chỉ và các quy định học vụ, nhận thấy có thể rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 xuống 3,5 năm.
“Để gia đình chu cấp 5 năm thì dài quá, em muốn mình đi làm sớm nhất có thể. Mỗi kỳ em đăng ký nhiều hơn các bạn 7-10 tín chỉ và tận dụng toàn bộ các học kỳ hè”, nam sinh cho biết.
Tiến kể chấp nhận hy sinh thời gian vui chơi, ít tham gia các hoạt động tập thể, câu lạc bộ để tập trung học. Mỗi ngày, mỗi tuần, em đều có kế hoạch cụ thể.
Căng thẳng nhất là học kỳ 2 năm thứ ba, Tiến phải hoàn thành hai đồ án chuyên ngành tàu thủy và hàng không, vốn khó và nặng. Thông thường, sinh viên mất cả học kỳ để hoàn thành một đồ án.
Tiến chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Lệ Nguyễn
Theo dõi hành trình của Tiến, PGS.TS Lý Hùng Anh, giảng viên bộ môn Kỹ thuật hàng không, cho biết đây là trường hợp hiếm có khi tốt nghiệp sớm đến 3 học kỳ với mức điểm suýt soát loại giỏi (3.2/4) .
Ông nhận định sinh viên phải sắp xếp lịch học rất khoa học vì đa số môn chuyên ngành chỉ mở một lần trong năm. Tiến chủ động, biết cách tận dụng các học kỳ hè để học môn chung và dành nhiều thời gian chính khóa cho các môn chuyên ngành.
Thầy cho hay ngay từ năm thứ hai, Tiến đã chủ động xin làm đồ án. Nam sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh, tìm tòi giải quyết vấn đề rất tốt. Hiện, Tiến cũng có một bài báo nghiên cứu trong quá trình chỉnh sửa để đăng tạp chí quốc tế.
“Nhận thấy khả năng của Tiến, tôi gợi ý học bổng để em tiếp tục đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Tuy nhiên, Tiến mong muốn đi làm sớm để va chạm thực tế nhiều hơn. Tôi hướng dẫn thêm cho em một số nội dung để mở rộng cơ hội”, thầy cho hay.
Tiến nhận định tốt nghiệp sớm 3 học kỳ là cột mốc ý nghĩa, minh chứng cho những nỗ lực của em nhưng đây chỉ là bước khởi đầu.
“Em vừa trúng tuyển vị trí kỹ sư bảo dưỡng máy bay tại một hãng hàng không trong nước. Môi trường công việc, cuộc sống sẽ có nhiều điều để em học hỏi, nâng cao tay nghề, chuyên nghiệp hơn”, Tiến chia sẻ.
Thời gian tới, Tiến sẽ học thêm các chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng máy bay và rèn tính kỷ luật trong làm việc, an toàn lao động. Theo Tiến, ngành hàng không yêu cầu độ chính xác và an toàn rất cao. Mỗi công việc dù nhỏ nhất cũng cần được thực hiện đúng theo tài liệu kỹ thuật và quy trình đã được phê duyệt.
Tiến mong trở thành một kỹ thuật viên bảo dưỡng tay nghề cao, có thể đảm nhận vai trò lớn hơn như giám sát hoặc kỹ sư phụ trách nhóm bảo dưỡng.
Lệ Nguyễn
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/chang-trai-lay-hai-bang-bach-khoa-tp-hcm-trong-3-5-nam-4878637.html