Theo cổng thông tin Tỉnh ủy Long An, năm học 2024-2025, địa phương có 591 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, với hơn 330.000 học sinh và 17.800 giáo viên, cán bộ quản lý.
Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với mục tiêu đảm bảo có thêm 909 phòng học, phòng chức năng trong năm học này. Kinh phí xây dựng dự kiến 683 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương dành 263 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu. Dự kiến, ngành giáo dục sẽ công nhận mới 38 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 16 trường tiểu học, 11 trường trung học cơ sở và 11 trường trung học phổ thông.
Song song đó, Long An đang tăng cường đặt hàng đào tạo giáo viên, thu hút nhân tài để giảm tình trạng thiếu hụt nhân sự giáo dục hiện tại.
Theo đại diện địa phương, phổ cập, phát triển giáo dục chất lượng cao là mục tiêu quan trọng. Tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, nổi bật là việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Long An là thủ phủ công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long với lượng người lao động lớn. Việc phát triển giáo dục gần các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho trẻ là con công nhân lao động tiếp cận giáo dục có chất lượng.
Long An cũng tiếp tục rà soát quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên để bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ đồng thời hoàn thiện các chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng, hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm giảng dạy.
Tỉnh này cũng đưa ra định hướng hợp tác quốc tế, thông qua liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo từ các quốc gia phát triển. Tỉnh mời các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín để đánh giá chất lượng giáo dục hiện có đồng thời tham gia các chương trình đánh giá quốc tế như SEA-PLM, PISA, TALIS…
Gần nhất, ngày 29/11, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết TP Tân An sẽ khảo sát, nghiên cứu các tiêu chí và đăng ký tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Để được công nhận là thành viên, các thành phố phải cam kết tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi người dân. Đổi lại, việc tham gia giúp cho các thành phố và người dân địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới.
Số hóa cũng là trọng tâm. Địa phương dự kiến hoàn thiện kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng… Ngành giáo dục sẽ phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học đồng thời triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; học bạ số.
Hệ thống giáo dục tại tỉnh miền Tây Nam bộ được đánh giá ngày càng hoàn thiện. Trước khi bước vào năm học mới, địa phương đã liên tục khánh thành nhiều công trình giáo dục quy mô lớn. Gần nhất, huyện Đức Hòa đưa vào sử dụng Trường THPT Võ Văn Tần với vốn tài trợ không hoàn lại hơn 100 tỷ đồng. Bến Lức cũng vận hành Trường THPT Nguyễn Trung Trực với mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng từ nguồn tài trợ.
Bên cạnh hệ thống công lập, địa phương chấp thuận mở nhiều trường tư thục như Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nội trú Emasi Plus, Trường Mầm non Thiên Thần Bé Thơ tại huyện Bến Lức; Trường Mầm non Sen Hồng tại huyện Châu Thành. Cũng trong năm nay, Hội khuyến học tỉnh đã vận động quỹ được hơn 77 tỷ đồng, cấp phát hơn 15.000 suất học bổng và 83.000 phần quà cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học.
Với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tỉnh có 13 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 4 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp. Số giáo viên, giảng viên và quản lý trong các cơ sở này là 758 người, tăng 302 người so với 10 năm trước. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh triển khai 266 chương trình đào tạo nghề. Hơn 90% có việc làm sau tốt nghiệp. Để cải thiện cơ sở vật chất đào tạo nghề, tỉnh đầu tư hơn 271 tỷ đồng cho các cơ sở.
Hoài Phương
Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/long-an-don-nguon-luc-phat-trien-giao-duc-4824771.html