8 thí sinh từng bốn lần giành huy chương vàng Toán quốc tế

IMo được tổ chức lần đầu vào năm 1959, tại Romania. Đây là kỳ thi Toán lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông. 66 năm qua, tổng cộng 22.320 thí sinh tham gia, khoảng 50% đạt giải. Số huy chương vàng đã được trao là 1.859.

Trong số này, 8 thí sinh được coi là “huyền thoại” vì giành từ 4 huy chương vàng trở lên.

Người gần nhất đạt thành tích này là Alex Chui (sinh năm 2008), với huy chương vàng tại Australia hôm 20/7.

Đến nay, nam sinh đã tham dự IMO 6 lần, đại diện cho hai đoàn. Năm 2020-2021, Alex Chui là thành viên đội tuyển Hong Kong (Trung Quốc), giành một huy chương bạc, một vàng. Từ 2022 đến nay, Chui thi đấu cho đội tuyển Anh, giành thêm một bạc và ba vàng. Hiện, nam sinh theo học tại trường phổ thông Tonbridge.

Alex Chui. Ảnh: Tonbridge School

Zhuo Qun Song (sinh năm 1997) là thí sinh duy nhất giành 5 huy chương vàng tại IMO từ trước đến nay. Là thành viên đội tuyển Canada thi IMO giai đoạn 2010-2015, anh còn giành một huy chương đồng. Ở lần thi cuối vào năm 2015, Song đạt điểm tuyệt đối 42/42.

Song vốn sinh ra ở Thiên Tân, Trung Quốc, trước khi chuyển đến Canada vào năm 2002. Sau khi học xong phổ thông, anh học cử nhân Toán tại Đại học Princeton, Mỹ. Theo website Đại học Illinois Urbana-Champaign, Song hiện làm nghiên cứu tại khoa Toán của trường, tập trung vào Lý thuyết số.

Zhuo Qun Song. Ảnh: Wikimedia Commons

Teodor von Burg (sinh năm 1993) đến từ Serbia, tham dự IMO từ ngày học lớp 7. Trong sáu năm liên tiếp (2007-2012), anh giành tổng cộng bốn huy chương vàng, một bạc, một đồng.

Hết cấp 3, anh theo học ngành Toán tại Đại học Oxford, Anh, rồi về nước làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Teodor von Burg hiện làm giáo viên dạy chuyên Toán ở một trường phổ thông tại Belgrade, thủ đô của Serbia.

Teodor von Burg. Ảnh: Facebook cá nhân

Lisa Sauermann (sinh năm 1992)đến từ Đức, là nữ sinh duy nhất bốn lần giành huy chương vàng IMO, trong đó một lần điểm tuyệt đối (năm 2011).

Sau các kỳ thi IMO, cô theo học ngành Toán tại Đại học Bonn, Đức, nghiên cứu sâu về Hình học đại số. Năm 2019, cô sang Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford, tập trung vào Tổ hợp học cực trị và xác suất.

Lisa tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford và Viện Nghiên cứu cao cấp (IAS), rồi làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) từ 2021 đến 2023. Cô sau đó về nước, hiện là giáo sư tại Viện Toán học ứng dụng của Đại học Bonn.

Lisa Sauermann. Ảnh: European Women in Maths

Một thí sinh khác đến từ Đức đạt thành tích tương tự là Christian Reiher (sinh năm 1984).

Anh tham gia IMO từ năm 1999 đến 2003, giành bốn huy chương vàng. Reiher sau này theo học tại Đại học Ludwig Maximilian, tốt nghiệp tiến sĩ năm 2010 tại Đại học Rostock, đều ở Đức.

Hiện tại, Christian Reiher là giáo sư Đại học Hamburg, nghiên cứu về Khoa học vật lý và Toán học.

Christian Reiher. Ảnh: University of Rostock website

Trong 8 thí sinh từng bốn lần giành huy chương vàng IMO, Nipun Pitimanaaree là người duy nhất đến từ khu vực Đông Nam Á. Chàng trai người Thái Lan thi IMO 5 lần, từ năm 2009 đến 2013.

Anh sau đó du học Mỹ, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện tử tại MIT. Trên LinkedIn cá nhân, Nipun Pitimanaaree cho biết đang khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, blockchain.

Nipun Pitimanaaree. Ảnh: Linkedin

Luke Robitaille (sinh năm 2004), quốc tịch Mỹ, giành huy chương vàng IMO trong cả bốn năm tham dự, từ 2019 đến 2022.

Báo chí Mỹ cho biết anh được cha mẹ cho học tại nhà từ nhỏ (homeschooling) vì cho rằng trường học truyền thống không phù hợp. Luke bộc lộ tài năng toán học từ sớm, lên 8 tuổi đã tìm hiểu tài liệu toán học ở đại học. Năm 10 tuổi, cậu bắt đầu tham gia một số lớp sau đại học.

Trước IMO, Luke về nhất ở giải Toán học Harvard – MIT khi học lớp 8. Năm 2017 và 2018, nam sinh giành huy chương vàng kỳ thi Mathcounts dành cho học sinh THCS lớp 6-8 toàn nước Mỹ.

Luke hiện học ngành Toán và Vật lý tại MIT.

Luke Robitaille chiến thắng tại Mathcounts. Ảnh: NY Times

Reid W. Barton (sinh năm 1983) cũng đến từ Mỹ, giành bốn huy chương vàng IMO trong giai đoạn 1998-2001. Riêng lần thi cuối, Barton đạt điểm tuyệt đối.

Cùng năm đó, Barton còn giành huy chương vàng Olympic Tin học quốc tế (IOI). Anh sau đó học tại MIT và Harvard.

Reid W. Barton. Ảnh: MIT

Doãn Hùng(tổng hợp)

Nguồn thông tin từ : https://vnexpress.net/8-thi-sinh-tung-bon-lan-gianh-huy-chuong-vang-toan-quoc-te-4918442.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *